Doanh nghiệp Việt cần làm gì để tránh 'bẫy' lừa đảo khi giao dịch thương mại quốc tế?

Vụ việc gần 100 container hạt điều bị lừa đảo ở Italia hay 5 container hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi bị chiếm đoạt tại Dubai… và đằng sau đó là rất nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhằm đưa doanh nghiệp Việt vào chiếc “bẫy”… Cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cẩn thận khi giao dịch quốc tế.

Thông tin tại Hội nghị “Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế" cho thấy, trong năm 2022, các doanh nghiệp toàn cầu đã phải chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo với giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Có thể thấy, tranh chấp và gian lận thương mại hiện đang là một vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam luôn phải tính đến, trong bối cảnh thương mại quốc tế nhiều biến động, rủi ro.

Bài học lớn sau những vụ lừa đảo

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, cho biết đã gặp một “ca khó” trong năm nay, đó là 5 container hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi đã bị lừa đảo tại thị trường Dubai. Sau đó nhờ sự hỗ trợ can thiệp của các cơ quan chức năng, 4 container với giá trị hơn 400.000 USD đã được lấy lại, nhưng vẫn còn 1 container hàng đang ở Dubai chưa giải quyết được.

“Không biết hết tháng 12, container này có thể đưa về được không”, bà Liên thông tin. Được biết, 1 container hoa hồi trên có giá trị khoảng 120.000 USD, nằm tại cảng nhiều tháng nay nên giá trị hàng hóa bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, doanh nghiệp phải tốn khoảng 60.000 – 70.000 USD để theo đuổi vụ kiện, chi trả chi phí lưu kho cho lô hàng này.

Trước những vụ việc đau xót trên, bà Liên mong có biện pháp bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam một cách tối đa, tối ưu nhất.

Để cảnh báo các chiêu thức lừa đảo, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã kể lại các thủ đoạn tại vụ việc hơn 70 container hạt điều bị chiếm đoạt ở Italia.

Theo ông, các tổ chức lừa đảo quốc tế nghiên cứu kỹ về tâm lý người Việt Nam. Hơn 70 container trên được đặt hàng ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2022 của Việt Nam. Các container đều là hàng cao cấp rất khó tiêu thụ, vì vậy đơn hàng lớn được rải đều cho 6 doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nhận đơn hàng lớn nhất là hơn 40 container với trị giá gần 5 triệu USD.

Trong quá trình giao dịch, ông Nhựt cho hay có doanh nghiệp nghi ngờ vì thị trường Italia tiêu thụ điều nhân tương đối thấp nên đã đặt câu hỏi với đối tác rằng vì sao lại mua số lượng lớn như vậy. Câu trả lời từ người mua: Chính phủ Italia hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu sau đại dịch COVID-19, nếu có đơn hàng lớn sẽ được hỗ trợ tín dụng, nên doanh nghiệp Việt Nam đã tin và bỏ qua yếu tố kiểm tra thêm.

Cùng với đó, người môi giới cho thương vụ trên có thâm niên hành nghề 15 năm, đã từng làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp càng chủ quan khi thực hiện giao dịch. Khi các Bộ chứng gốc được bên vận chuyển chuyển phát, người môi giới thông báo người mua muốn biết được mã code bộ chứng từ. Nhà xuất khẩu Việt Nam đặt câu hỏi ngược lại thì được giải thích là hiện nay chủ hàng mua bên Italia cần đơn hàng gấp để tiêu thụ, nên cần mã code liên hệ với bên vận chuyển giải phóng lô hàng nhanh nhất. “Lời giải thích này cũng hợp lý”, ông Nhựt cho biết đó là lý do các doanh nghiệp Việt Nam tin vào và “sa bẫy”.

Hay mới đây, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho biết vừa hỗ trợ một doanh nghiệp trong ngành đồ gỗ nội thất tránh ký hợp đồng với giá trị lớn với đối tượng lừa đảo. Khi tham vấn thấy rằng, bộ hợp đồng hết sức chuyên nghiệp, không có điều khoản nào nghi ngờ. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp chuyển thông tin qua email kiểm tra thêm, đúng là có những từ ngữ trong quá trình “giao dịch ngô nghê, không chuyên nghiệp”, từ đó xác minh và phát hiện đó là tổ chức lừa đảo.

Ở chiều nhập khẩu, ông Phạm Thanh Hải, Phụ trách thương vụ Việt Nam tại Nam Phi thông tin, trung bình một năm phát hiện từ 6-7 trường hợp lừa đảo với doanh nghiệp Việt Nam. Một số sản phẩm mà doanh nghiệp Nam Phi lừa đảo là muốn mua đậu xanh có vỏ và không vỏ, bột bắp, hóa chất dùng công nghiệp chế biến thực phẩm, quả tươi... Thông thường trị giá hợp đồng thương mại 20.000 - 60.000 USD.

Thận trọng xác minh thông tin đối tác

Có thể thấy, khi giao dịch thương mại quốc tế chỉ một phút chủ quan, doanh nghiệp Việt có thể trả giá đắt. Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, cho biết, thời gian gần đây, nhất là từ đầu năm 2023, Thương vụ có ghi nhận số vụ lừa đảo nhỏ trên địa bàn sở tại tăng nhanh, bình quân 10 vụ/tháng liên quan đến các yêu cầu của doanh nghiệp Canada về chứng chỉ không có thật.

“Thị trường toàn cầu khó khăn, đơn hàng sụt giảm nhiều. Doanh nghiệp xuất khẩu thôi thúc tìm đơn hàng, bởi vậy khi nhận được đơn hàng từ nước ngoài đã có tâm lý chủ quan. Với thị trường Canada, các tổ chức lừa đảo thường làm giả chứng từ một cách tinh vi”, bà chia sẻ.

Bà Quỳnh cho hay, đối tượng lừa đảo chủ động tiếp cận doanh nghiệp Việt Nam bằng cách gửi tin nhắn, email về mong muốn ký đơn hàng giá trị lớn. Họ sẵn sàng cung cấp giấy tờ mà công ty Việt Nam yêu cầu từ hồ sơ đăng ký kinh doanh, giấy nộp thuế, giấy xác nhận ngân hàng đều được đóng dấu tươi….

Còn tại thị trường Italia, bà Dương Phương Thảo – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại thị trường sở tại thông tin: Tình trạng lừa đảo diễn ra nhiều hình thức, với cả xuất khẩu và nhập khẩu, thực tế Thương vụ đã hỗ trợ giải quyết nhiều vụ việc cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Thảo cho biết, hình thức lừa đảo phổ biến, gồm: Người mua phối hợp với đối tượng lừa đảo làm giả chứng từ chiếm đoạt giấy tờ gốc để chiếm đoạt hàng; doanh nghiệp Việt Nam mua hàng đã đặt cọc nhưng đối tác không giao hàng; đối tác Italia thông báo mở tài khoản ở ngân hàng uy tín nhưng không hoạt động; công ty đối tác Italia không giao hàng hoặc giao hàng không đạt tiêu chuẩn; hợp đồng ký cực kỳ sơ sài, đối tác Italia không tuân thủ điều khoản.

Theo Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Sỹ Nguyễn Đức Thương, có một số trường hợp đối tác giả mạo doanh nghiệp Thụy Sỹ bán hàng với giá hời, yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam đặt cọc trước. Sau khi Thương vụ xác minh cụ thể thì đây là đối tác giả mạo nên kịp thời ngăn chặn giao dịch.

Trước khi giao dịch với đối tác, đặc biệt là đối tác mới, giao dịch lần đầu..., doanh nghiệp Việt Nam cần liên hệ với Thương vụ và qua các kênh khác nhau kiểm tra xem doanh nghiệp có tồn tại thật sự không, tình hình hoạt động như thế nào... Nếu đối tác cung cấp số tài khoản ngân hàng ngoài Thụy Sĩ thì đó là một dấu hiệu nghi vấn vì các doanh nghiệp Thụy Sỹ chủ yếu có tài khoản ngân hàng tại Thụy Sĩ.

Đồng thời, thương vụ Việt Nam tại Nigeria cảnh báo gian lận rất phổ biến ở một số nước châu Phi, các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn ở Nigeria và các nước thuộc khu vực Tây phi khác như Ghana, Togo… đều được khuyến cáo cần thẩm định trước khi bắt tay vào bất kỳ giao dịch nào.

Các doanh nghiệp khi giao dịch tại khu vực châu Phi cần thẩm tra, xác minh doanh nghiệp kỹ trước khi thực hiện hợp tác và ký kết hợp đồng. Để tránh bị rủi ro, khi ký hợp đồng xuất khẩu-nhập khẩu, doanh nghiệp trong nước nên áp dụng hình thức thanh toán. Thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay (Irrevocable L/C, At sight). Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nếu thanh toán theo hình thức đặt cọc thì nên yêu cầu đối tác đặt cọc ở mức cao, khoảng từ 30-50% giá trị đơn hàng, nhất là đối với các đơn hàng mới và lần đầu. Không nên chuyển tiền với bất cứ hình thức nào khi đối tác đề nghị, ví dụ: phí môi giới, phí luật sư...

Nguồn : Nhật Linh - Báo Việt Nam Thương Mại

Đánh giá bài này
(0 bình chọn)
Đã xem 291 lần
PHÒNG TCHC

Chào mừng quý vị đã ghé thăm website của chúng tôi. Mọi thắc mắc và phản ánh xin vui lòng liên hệ với bộ phận Quản trị - Phòng Kinh tế tổng hợp (Email: info@mascopex.com)

English Vietnam

PHÒNG KINH DOANH

     
 Tel / Whatsapp:
      +84 905 468 706 (Ms LOAN)

DỊCH VỤ VÉ MÁY BAY

     
Tel: 098 998 9992  (Ms Hằng)

     
Tel: 0901 307 308 (Ms Thanh)

VIDEO CLIP

THÀNH TÍCH

 

 

        

MASCOPEX

" MASCOPEX phấn đấu trở thành Công ty Uy tín – Tin cậy – Chất lượng hàng đầu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mặt hàng nông sản "

Default Theme
Layout Direction
Body
Background Color [r]
Text color [r]
Top
Top Background Image
Background Color [r]
Text color [r]
Bottom
Bottom Background Image
Background Color [r]
Text color [r]